HIỂU VỀ QUY TRÌNH GÂY TÊ VÀ GÂY MÊ
GÂY TÊ VÀ GÂY MÊ
Bệnh nhân mỗi khi phải mổ thường rất sợ đau và thường hay đưa ra câu hỏi: “Thế mổ có đau không?”. Để hiểu rõ bác sĩ đã làm gì để giúp bệnh nhân không đau trong khi mổ, chúng ta tìm hiểu thế nào là tê, thế nào là mê.
Gây tê hay gây mê là làm cho cảm giác đau không còn nữa. Gây tê là làm giảm đau ở một chỗ hẹp hay một vùng. Còn gây mê là làm cho bệnh nhân mất tri giác toàn thân do thuốc mê tác dụng lên não bộ. Tùy theo nhu cầu phẫu thuật đòi hỏi, vùng mổ lớn hay nhỏ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, kết quả xét nghiệm như thế nào, cách thức phẫu thuật ra sao mà người ta chọn những cách thức gây tê, gây mê khác nhau.
Bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê sẽ cùng bàn bạc chọn một phương thức thích hợp nhất để áp dụng cho việc gây tê hay mê. Tuy nhiên cũng có khi bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ cho mình chọn phương cách gây mê.
Gây tê tại chỗ là làm cho một vùng nhỏ không còn cảm giác đau. Gây tê tại chỗ áp dụng cho những vùng phẫu thuật nhỏ như một vết thương cạn, nhỏ, ngoài da, vết thương ở da đầu, vết thương ngón tay, ngón chân v…v…
Gây tê vùng là làm tê một vùng rộng hơn. Ví dụ gây tê tùng cánh tay có thể làm cho cả một cánh tay bị mất cảm giác từ vai đến đầu các ngón tay.
Gây tê toàn thân là làm mất cảm giác cả thân thể. Bệnh nhân được thuốc mê tác động lên não làm ngủ say mê và mất hết cảm giác. Trong trường hợp này người bệnh cần có sự giúp đở của máy giúp thở để giúp cho phổi trao đổi oxy với máu. Tim là cơ quan tự động nên dù mê, tim vẫn đập tự động mà không cần phải có sự trợ giúp. Bất cứ loại tê mê nào cũng đều có những nguy cơ, tuy dù ngày nay độ an toàn của tê mê đã được nâng lên rất cao. Nhưng trong một vài tình trạng sức khỏe nào đó, độ an toàn của gây mê vẫn bị ảnh hưởng. Vì thế, trước khi gây mê, người gây mê sẽ báo cho bệnh nhân biết những điều không tốt có thể xảy ra.
Một số hiệu ứng của gây mê có thể kéo dài hàng giờ sau mổ. Trong gây tê tại chỗ hay trong tê vùng, cảm giác tê có thể kéo dài. Sự điều khiển các cơ và sự phối hợp cử động có khi không được bình thường. Gây mê kiểm soát cảm giác đau khi phẫu thuật hay những thủ thật y khoa. Người ta dùng thuốc mê, những máy móc theo dõi để giữ tình trạng bệnh nhân được an toàn. Người ta kiểm soát hơi thở, huyết áp, nhịp tim v…v…Gây mê là cách thức để làm mềm cơ, ức chế đau, làm cho bệnh nhân ngủ và quên tất cả rồi đi vào mất tri giác giúp cho cuộc mổ diễn tiến thuận lợi.
Gây tê là gì ? Gây tê làm mất cảm giác tại chổ, làm tê một vùng nhỏ của cơ thể. Người ta dùng thuốc tê tiêm tại chổ và ức chế cảm giác đau đớn. Các trường hợp tiểu phẫu thuật đều được áp dụng tê tại chỗ. Vì tê tại chỗ nên bệnh nhân hoàn toàn tỉnh khi làm phẫu thuật. Tuy nhiên đôi khi bác sĩ có thể cho bệnh nhân tiền mê với một vài loại thuốc để bệnh nhân thư giản hoặc ngủ nhẹ.
Gây tê vùng là làm tê một vùng cơ thể lớn hơn. Người ta chích thuốc tê quanh một dây thần kinh lớn hay vào tủy sống. Với tê vùng người ta có thể phong bế một thần kinh ngoại biên là chích thuốc tê gần dây thần kinh hay một nhóm thần kinh và vùng tương ứng của những thần kinh này sẽ bị mất cảm giác.
Phong bế dây thần kinh thường dùng để gây tê cho các phẫu thuật ở cánh tay, cẳng tay và bàn tay, đùi, cẳng chân, bàn chân hay ở mặt.
Tê vùng là chích thuốc tê vào tủy sống hay ngoài màng cứng. Người ta chích thuốc tê vào tủy sống và những rễ thần kinh tương ứng. Tê vùng làm mất cảm giác một vùng lớn của cơ thể như bụng, lưng hay hai chân, tay.
Gây mê thì tác động trên não và làm mất cảm giác toàn thân. Người ta có thể chích thuốc qua tĩnh mạch hay cho bệnh nhân ngửi thuốc mê qua đường thở. Với gây mê, bệnh nhân sẽ không hay biết gì và không còn cảm thấy đau khi mổ. Với gây mê, bệnh nhân không biết cuộc mổ xảy ra thế nào và vào thời điểm nào.
Vậy lựa chọn phương cách gì, dạng tê mê nào cho cuộc mổ ?
Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố :
1- Tùy theo sức khỏe hiện tại và trong quá khứ của bệnh nhân. Ví dụ bệnh nhân có thể bị tiểu đường, bị cường giáp, bị suy tim v...v...Và ngay cả các thành viên trong gia đình bệnh nhân cũng được lưu ý đến để biết có ai bị dị ứng với thuốc mê nào không chẳng hạn.
2- Bệnh nhân sẽ được mổ vì sao, bệnh gì và cách mổ ra sao ?
3- Kết quả các xét nghiệm như máu, điện tâm đồ...
Và rồi các bác sĩ gây mê sẽ chọn cho bệnh nhân một loại gây tê hay mê thích hợp. Khi gây mê các bác sĩ theo dõi sát các thông số sinh tồn của bệnh nhân như huyết áp, nhịp tim, và tránh mọi hệ quả thứ phát khác.
Bệnh nhân nên chuẩn bị thế nào để gây mê ?
Người bác sĩ gây mê sẽ giảng cho bệnh nhân nghe những gì sẽ xảy ra khi bệnh nhân đến bệnh viện để mổ, trong khi mổ và sau khi mổ. Bác sĩ sẽ dặn bệnh nhân khi nào sẽ nhịn ăn, uống trước khi được phẫu thuật. Nếu bệnh nhân còn dùng thuốc để chữa bệnh gì khác thì cần báo bác sĩ biết để bác sĩ định đoạt có nên tiếp tục uống trước khi mổ hay những ngày sau mổ.
Và tất nhiên bệnh nhân phải ký giấy thỏa thuận chấp nhận trước khi được gây mê. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết cách chọn lựa gây mê nào tốt nhất cho mình và những rủi ro, những tiện ích và cả những vấn đề khác.
Lẽ tất nhiên có một số lớn bệnh nhân bồn chồn trước mổ nên vì thế một số thuốc an thần sẽ được cho bệnh nhân dùng trong đêm trước mổ.
Khi tỉnh mê thì việc gì xảy ra với người bị mổ ?
Ngay sau khi mổ xong, người bệnh sẽ được đưa ra phòng hồi sức. Người điều dưỡng sẽ săn sóc bệnh nhân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ gây mê. Điều dưỡng viên sẽ theo dõi những dấu hiệu sinh tồn và theo dõi các vết băng bó và hỏi han bệnh nhân về sự đau đớn sau mổ. Và nếu bệnh nhân cảm thấy đau, đừng ngại ngùng báo cho điều dưỡng viên biết.
Một số tác động của thuốc mê có thể kéo dài hằng giờ sau mổ. Ví dụ cảm giác tê rần ở đầu chi hay một vùng nào đó của cơ thể nếu bệnh nhân được mổ bằng gây tê tại chổ hay gây tê vùng. Sự kiểm soát các động tác và sự phối hợp động tác có thể bị ảnh hưởng.
Một số tác động thử phát của gây tê, mê cần được theo dõi sát và làm giảm thiểu. Những tác động này gồm :
- Nôn mửa, buồn nôn
- Hạ thân nhiệt gây run lạnh nhất là lúc tỉnh lại
Với gây tê trong mổ nhỏ, bệnh nhân có thể về nhà trong ngày. Còn trong mê toàn thân thì bệnh nhân phải nằm lại bệnh viện. Nếu có gì khó chịu, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ biết ngay.
Trước và sau khi gây mê người bệnh cần phải làm gì ?
Trước khi được gây mê, bệnh nhân không được ăn ít nhất 6 giờ trước mổ vì đồ ăn cần 6 giờ để đi từ dạ dày đến hết ruột non và qua đại tràng. Nếu bệnh nhân được mổ sáng ngày hôm sau thì phải nhịn ăn, uống, trể nhất là lúc 21 giờ đêm hôm trước. Sáng hôm sau hoàn toàn không ăn uống.
Nếu bệnh nhân được mổ bụng thì ngày hôm trước được súc ruột để làm sạch bụng và nhẹ bụng sau mổ, giúp nhanh trung tiện hơn.
Nếu bệnh nhân được mổ đại tràng thì thường súc ruột 2-3 ngày trước mổ. Cần phải nhịn uống ít nhất 2 giờ trước mổ các chất nước uống. Nước uống gồm nước lạnh (nước trong), nước ép trái cây không có xác (như nước táo, nho v...v...), café đen, nước trà và nước uống có bọt.
Cần nhịn ăn và uống vì trong khi gây mê hay tê bệnh nhân có thể bị nôn, ựa mà không kiểm soát được nên đồ ăn, thức uống dễ hít vào cuống phổi gây ngạt thở.
Bệnh nhân cũng nên giữ cho mình không quá mập để cải thiện lưu thông máu và giữ cho phổi hoạt động tốt hơn. Nếu quá mập, nên giảm cân để giảm nguy cơ gây mê (thuốc mê, thuốc giản cơ thường tích tụ trong mỡ). Bệnh nhân cũng nên ngưng hút thuốc lá 6 tuần trước mổ để phổi và tim cơ hội cải thiện tình trạng sức khỏe của mình. Chính thuốc lá làm giảm lượng oxy trong máu và làm tăng thêm những vấn đề hô hấp trong và sau mổ.
Bệnh nhân cũng cần ngưng uống rượu 24 giờ trước mổ vì rượu làm sai lệch hiệu quả của thuốc tê, mê.
Nếu bệnh nhân có uống thuốc tăng sảng khoái hay thuốc nghiện thì nên báo cho bác sĩ biết.
Các thuốc uống hằng ngày để chữa các bệnh khác, xử trí ra sao khi mổ ? Nếu bệnh nhân đang dùng những thứ thuốc cần để chữa những bệnh khác như tiểu đường, đau tim, cường giáp, Basedow, thuốc chống đông máu (như aspirin, warfarin, persantin, clopidogrel (plavix, iscover)) v..v...thì phải hỏi bác sĩ có cần thiêt và có được phép dùng ngày trước mổ hay không vì có một số thuốc tương tác với thuốc gây mê và những thứ thuốc khác dùng khi gây mê.
Giấy cam đoan phẫu thuật :
Giấy cam đoan phẫu thuật là giấy thỏa thuận cam kết đồng ý phẫu thuật. Giấy này là một thủ tục cần thiết ở tất cả các trung tâm phẫu thuật hay các bệnh viện trên toàn thế giới mà người bệnh nhân phải ký xác nhận đồng ý trước khi phẫu thuật được tiến hành. Bác sĩ phẫu thuật sẽ giảng cho bệnh nhân nghe vì sao bệnh nhân cần phải phẫu thuật, điều gì sẽ thực hiện và những nguy cơ, tai biến có thể xảy ra, thành quả mong đợi như thế nào, phẫu thuật sẽ kéo dài bao lâu và bao lâu sau bệnh nhân sẽ tỉnh lại. Bệnh nhân có thể trao đổi thắc mắc với bác sĩ trước khi ký giấy cam đoan ưng thuận phẫu thuật. Tất nhiên bệnh nhân sẽ ký giấy khi còn chưa uống một loại thuốc gì có thể ảnh hưởng đến sự minh mẩn của trí tuệ. Nếu chưa có giấy cam đoan đồng ý phẫu thuật của người bệnh hoặc gia đình bệnh nhân thì phẫu thuật không được tiến hành (Quyết định 1895/1997/BYT-QĐ, ngày 19/9/1997 về Qui chế Bệnh viện).
Ngoài bác sĩ phẫu thuật viên, người bác sĩ gây mê cũng sẽ giải thích về gây mê để bệnh nhân hiểu rõ hơn trước khi bệnh nhân đồng ý phẫu thuật.
Nếu bệnh nhân là trẻ con, dưới 18 tuổi hay người bị tâm thần, người câm điếc hay bị choáng nặng, người đang trong tình trạng hôn mê thì cha, mẹ hay người thân hoặc người giám hộ hay người đại diện cơ quan nơi bệnh nhân làm việc sẽ thay thế bệnh nhân ký giấy ưng thuận.
Nếu bệnh nhân hôn mê (ví dụ do chấn thương sọ não chẳng hạn), không có thân nhân hoặc người cơ quan để biết về nhân thân (thường gọi là bệnh nhân vô danh) có tình trạng cần mổ cấp cứu để cứu tính mạng bệnh nhân thì theo qui chế của Bộ Y tế Việt nam, phẫu thuật vẫn được tiến hành nhưng phải thông qua hội chẩn và phải được Giám đốc bệnh viện duyệt.
Làm gì để bệnh nhân bớt lo lắng trước khi lên bàn mổ ?
Tất nhiên ai cũng lo lắng bồn chồn trước khi lên bàn mổ. Thư giản tinh thần sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt lo lắng. Buổi sáng ngày mổ, khi thức dậy nên làm các kỷ thuật thư giản. Một vài kỷ thuật thư giản gồm :
- Nhìn tập trung : nhìn tập trung vào một hình ảnh sẽ gây thư giản và giảm căng thẳng.
- Trầm tư mặc tưởng : sẽ giúp ta có cảm giác yên bình và thư giản.
- Tiêu khiển, giải trí như nghe nhạc qua écouteur chẳng hạn.
Tiền mê là gì ? Vì sao cần phải tiền mê ?
Đó là dùng một loại an thần trước khi gây mê. Có thể uống hay chích. Cần tiền mê vì :
- Chống tiết: dùng để hạn chế tiết dịch ở họng, miệng và ở hệ hô hấp.
- Để chống lo lắng. Thuốc chủ yếu là benzodizepam như medizolam, diazepam (valium,seduxen), lorazepam.
- Giảm hay ngừa đau. Thuốc giảm đau có thể dùng cho những ai bị đau trước khi phẫu thuật (và cả trong lúc phẫu thuật ).
- Giảm thể tích và dịch dạ dày để giảm nguy cơ hít dịch vào đường hô hấp. Có khi còn cho bệnh nhân uống thuốc giảm tiết acid hay trung hoà dịch dạ dày để giảm thiểu tổn hại nếu dịch dạ dày trào ngược lên cổ họng và bệnh nhân hít vào đường thở.
- Giảm buồn nôn, oẹ, mữa. Nôn mữa có thể xảy ra trong hay sau khi mổ.
- Kiểm soát chức năng cơ thể. Sự đáp ứng tự động của cơ thể với đau vì stresse của phẫu thuật. Thuốc còn để giữ nhịp đập của tim, giữ cho huyết áp ổn định.
Những chuẩn bị cần thiết khác :
Đó là đường truyền tĩnh mạch để làm phương tiện truyền thuốc vào bệnh nhân trong khi mổ. Kim có thể được chích ở tĩnh mạch tay hay chân. Trẻ con hay những người mẫn cảm thường không chịu được đau khi tiêm nên người ta thường chích tĩnh mạch sau khi cho tiền mê hay ngay khi chụp masque gây mê.
Và để gây mê tất nhiên người ta sẽ gắn vào người bệnh nhân những máy theo dõi nhịp thở, huyết áp, chức năng của tim trong khi mổ.
Những điều nên biết thêm :
- Nếu bác sĩ gây tê tại chỗ hay gây tê vùng thì bệnh nhân nên nằm yên và giữ bình tĩnh trong khi bác sĩ làm phẫu thuật. Nếu có đau thì báo bác sĩ biết, không nên thay đổi tư thế hay co duổi chân tay làm vấy bẩn các tấm đắp vô trùng đang phủ lên vùng mổ.
- Vì sao có một số người phải gây mê thay vì gây tê ? Đó là :
- Các trẻ em vì chúng không chịu nằm yên
- Những người lớn nhưng quá lo lắng, sợ sệt, không chịu được đau, rối loạn cơ bắp. Những trường hợp này bệnh nhân không thư giản được và không hợp tác.
- Một số phẫu thuật cần một số tư thế đặc biệt nên khi tỉnh dậy bệnh nhân cảm thấy khó chịu, nhất là khi phẫu thuật kéo dài.
- Một số phẫu thuật cần giản cơ và làm bệnh nhân không thở tự chủ được và vì thế phải hổ trợ hô hấp.
Thuốc tê, thuốc mê gồm những thứ gì ?
- Thuốc tê tại chổ gồm : Lidocain (Xylocain®), bupivacain (Marcain®).
- Thuốc mê tĩnh mạch như Thiopental (Penthotal® ), Medizolam (Versed®), Propofol (Diprivan ), Fentanyl (Sublimaze®).
- Thuốc mê hơi thở như Isoflurane và Nitrous oxide thở qua masque.
Thuốc phối hợp :
Cùng với thuốc gây mê, người ta còn dùng phối hợp với :
* Thuốc giản cơ làm ức chế dẫn truyền thần kinh đến cơ. Thuốc giản cơ được dùng trong gây mê để làm giản cơ tạm thời khi cần thiết (như đặt nội khí quản), thuốc giản cơ dài giúp làm mềm cơ lâu hơn để giúp cho phẫu trường được rộng hơn, giúp cuộc mổ được dễ dàng hơn.
* Các chất giải dùng để giải các chất khác như giản cơ hay an thần được dùng trong gây mê, với mục đích làm bệnh nhân nhanh trở về trạng thái bình thường.
Khi gây mê những gì sẽ xảy ra ?
Ba phases chính trong gây mê là: Dẫn nhập mê, duy trì và thoát mê.
1- Dẫn mê là giai đoạn đầu khi gây mê, lúc bệnh nhân được tiêm thuốc mê.
* Dẫn mê trong tê tại chổ hay tê vùng là lúc thuốc tê được bơm qua kim vào vùng cần gây mê.
* Dẫn mê trong gây tê ngoài màn cứng và gây tê tủy sống cần đặt kim vào khoảng trống quanh những thần kinh tủy sống ở vùng dưới lưng. Để tránh khó chịu lúc châm kim tủy sống người ta thường tiêm thuốc tê tại chổ trước.
* Với mê toàn thân thì được dẫn mê với thuốc mê tĩnh mạch, nhưng khí mê cũng có thể được dùng.
- Với mê tĩnh mạch, thời gian mất tri giác vào khoảng một phút.
- Khí mê cũng tác dụng nhanh, nhưng phải cho bệnh nhân hít một lúc ngắn trước khi mê. Khí mê thường được cho thở qua một masque trùm qua mũi và miệng. Khí mê thường được dùng cho trẻ con và người lớn không có veine để đặt catheter tĩnh mạch.
2- Duy trì và theo dõi :
Bác sĩ gây mê cho một lượng thuốc mê đủ để duy trì cân bằng đồng thời theo dõi các chỉ số hơi thở, nhịp tim, huyết áp và những chức năng sinh tồn khác. Gây tê tại chỗ hay gây tê vùng thì được duy trì với các thuốc an thần để kéo dài hiệu quả cho thủ thuật.
Trong gây mê, bác sĩ gây mê có thể duy trì với khí mê, với thuốc mê tĩnh mạch hay thông thường nhất là kết hợp cả hai. Thông thường khí mê được cho qua ống thông nội khí quản hay qua masque có airway (tức là một loại ống thông khí đặt sau họng nhưng không vào khí quản như trong đặt ống nội khí quản). Tất nhiên airway cũng chỉ được đặt sau khi bệnh nhân mê.
3- Thoát tê, thoát mê (emergence):
Trong gây tê tại chổ và tê vùng, sự thoát tê là lúc cảm giác tê chấm dứt và vùng bị tê có cảm giác trở lại. Thời gian thoát tê tùy thuộc vào lượng thuốc tê đã dùng, loại thuốc, nồng độ, vùng của cơ thể được gây tê. Thường thường thời gian này kéo dài 1-2 giờ. Thoát tê của tê ngoài màng cứng và tủy sống kéo dài lâu hơn.
Trong gây mê tổng quát thì thóat mê xảy ra khi ngưng thuốc mê tĩnh mạch hay khí mê. Thời gian để cơ thể hủy sạch thuốc mê rất nhanh. Thời gian này bác sĩ theo dõi sát để đảm bảo hơi thở, nhịp tim và huyết áp cùng những dấu hiệu chức năng sinh tồn khác về trạng thái bình thường cũng như các sự kiểm soát cử động của cơ trở lại. Khi bệnh nhân tự thở được thì rút airway hay nội khí quản.
Đôi khi để thoát mê nhanh, người ta dùng các chất hóa giải (reversal agents) để hóa giải tác động của một vài thuốc gây mê, nhờ đó bệnh nhân tỉnh nhanh hơn.
Thoát mê không có nghĩa là bệnh nhân tỉnh táo như người thường mà một vài hệ quả có thể tồn tại trong nhiều giờ sau khi gây mê chấm dứt như vẫn còn thấy tê hay giảm cảm giác ở một phần nào đó của cơ thể cho đến khi hết hoàn toàn thuốc mê. Ngay cả khi bệnh nhân thấy hoàn toàn tỉnh táo như thường thì sự phán đoán và những phản xạ vẫn có thể bị ảnh hưởng một thời gian sau phẫu thuật, đặc biệt nếu có dùng thuốc chống đau hay chống nôn. Nếu cảm thấy tê hay giảm cảm giác kéo dài thì nên báo cho bác sĩ biết.
Nguy cơ biến chứng :
Nguy cơ và biến chứng hiếm gặp nhưng không phải là không có. Nó phụ thuộc vào tuổi, tình trạng sức khỏe, loại thuốc tê, mê được dùng và sự đáp ứng với gây mê.
a/ Những yếu tố nguy cơ cá nhân : Gồm:
- Tuổi tác: Tất nhiên nguy cơ gắn liền với gây mê và phẫu thuật tăng lên với tuổi tác của bệnh nhân.
- Tình trạng bệnh tật như các bệnh về tim, mạch, thần kinh, nghiện hút thuốc lá, béo phì...
b/ Những yếu tố khách quan khác : như phẫu thuật đơn giản hay phức tạp, phẫu thuật lâu hay mau hoặc phẫu thuật trong điều kiện có chuẩn bị hay trong tình trạng cấp cứu.
c/ Biến chứng :
- Gây tê tại chỗ : Thường ít có biến chứng của gây tê tại chổ. Nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc khi thuốc tê theo máu vào cơ thể làm ảnh hưởng tới hơi thở, nhịp tim, huyếp áp và những chức năng khác. Do đó luôn luôn phải có trang bị ấp cứu.
- Gây tê vùng : gồm tê kéo dài, yếu chi hay đau kéo dài do thuốc tiêm quanh dây thần kinh gây nên. Vì cũng dùng thuốc tê nên cũng gây nên nhiễm độc toàn thân khi thuốc đi vào máu. Ngoài ra còn có biến chứng ở tim, phổi, nhiễm trùng, sưng tấy, bướu máu ở chổ tiêm.
Gây tê tủy sống là chích thuốc tê vào tủy sống. Biến chứng thường là nhứt đầu do thoát dịch ra ngoài. Chừng 1-2% bị biến chứng này, nhất là ở bệnh nhân trẻ. Để điều trị nhứt đầu nhanh chóng, người ta dùng phương pháp gọi là "miếng vá bằng máu" (blood patch) tức là dùng chính máu của bệnh nhân tiêm vào chổ màng cứng nghi có lậu dịch não tủy do chích kim để vá cái lỗ kim lại và làm tăng áp lực trong ống sống và làm giảm sự kéo những màng bao bọc ống sống.
- Gây mê : Thường xảy ra hơn hai loại gây tê trên. Gây mê làm giảm phản xạ hầu họng như nuốt, ho hay khạc với mục đích tránh hít vào phổi. Hít xảy ra khi một vật hoặc chất lỏng được hít vào đường hô hấp (khí quản hay phổi). Để ngăn ngừa hít phải, người ta đặt ống nội khí quản. Bệnh nhân được dặn dò không ăn uống trước mổ một số giờ để dạ dày được trống hầu tránh trào ngược dịch vị hít vào phổi.
Khi đặt hay rút airway nên chú ý bệnh nhân có thể bị ho, sặc hay co cơ ở thanh quản hay co cả khí quản. Đặt airway có thể làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, làm gãy răng, làm dập môi, phù thanh quản, đau họng, khàn tiếng do sang chấn gây nên, kích thích thanh quản. Những nguy cơ khác của gây mê toàn thân gồm cả thay đổi huyết áp, nhịp tim, lên cơn đau tim hay đột quị.
Tử vong hay tổn thương nặng, do sang thương vì gây mê thường hiếm gặp và thường liên quan đến những biến chứng của phẫu thuật nữa. Tử vong có thể xảy ra chừng 1/250.000 trường hợp với gây mê toàn thân. Tất nhiên tỷ lệ cao hơn với những người có tình trạng bệnh nghiêm trọng, những trường hợp dị ứng nặng hoặc choáng, sốt quá cao, bị tai biến mạch não hay lên cơn đau tim cấp, bị sặc phổi (vomit in the lung) gây viêm phổi nặng, tê liệt, thuyên tắc phổi hay bại não.
Một vài người sau khi chịu gây mê phát biểu rằng họ không hoàn toàn mất tri giác nhưng như còn tỉnh và “nhận thức” được trong khi đang phẫu thuật . Nhưng sự “nhận biết” trong khi gây mê là rất hiếm vì các bác sĩ chuyên khoa gây mê thường chú ý để tránh chuyện này và cũng có nhiều cách để phòng ngừa điều này./.
Nội dung bài viết của bạn về sản phẩm: Chú ý: Không chấp nhận định dạng HTML!
Ứng dụng: Kém Tốt
Nhập mã số xác nhận bên dưới: