Việt Nam chào đón công dân thứ 90 triệu: Tự hào và trách nhiệm
Hôm nay, ngày 1/11/2013, Việt Nam đón công dân thứ 90 triệu chào đời. Trước sự kiện này, TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã chia sẻ sự phấn khởi, niềm tự hào về những thành công mà chương trình DS-KHHGĐ đạt được; đồng thời, nhấn mạnh đến trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi người dân trước những cơ hội và thách thức vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước.
|
Dân số đạt 90 triệu người - một sự kiện ấn tượng của đất nước.
Ảnh: Chí Cường
|
Xin ông cho biết cảm xúc của mình trước thời khắc đặc biệt đón chào công dân thứ 90 triệu ra đời, đánh dấu sự kiện trọng đại trong lịch sử nhân khẩu học của nước ta?
Năm 1989, kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở cho thấy, dân số nước ta lúc đó là 64,4 triệu người. Khi đó, các nhà khoa học đã dự báo vào năm 2010 dân số Việt Nam sẽ đạt 105 triệu người. Dựa vào dự báo đó, nước ta lẽ ra đạt 90 triệu người vào năm 2002. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong công tác DS-KHHGĐ, đến nay, ngày 1/11/2013, quy mô dân số nước ta mới đạt 90 triệu người, chậm hơn so với dự báo 11 năm.
Những dự báo khi đó là hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta có một thực tế so sánh đáng chú ý là: Năm 1989, dân số Philippines ít hơn nước ta 6 triệu người nhưng đến nay, dân số Philippines nhiều hơn nước ta 15 triệu người. Nếu như Việt Nam không nỗ lực làm công tác DS-KHHGĐ như thời gian vừa qua thì dân số nước ta hiện nay sẽ là 110,8 triệu người. Như vậy, trong vòng hơn 20 năm qua, nước ta đã tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp. Đây là một thắng lợi hết sức to lớn của chương trình DS-KHHGĐ, góp phần quan trọng sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước.
Vậy con số 90 triệu công dân sẽ mang đến những cơ hội và tiềm năng như thế nào cho người Việt Nam, thưa ông?
Hiện nay, dân số nước ta đứng thứ 14 trên thế giới và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Với thứ hạng này, Việt Nam thực sự là một cường quốc về quy mô dân số. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để biến cường quốc về số lượng thành cường quốc về chất lượng, như mong muốn của Bác Hồ: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu hay không?”. Ngày hôm nay, dân số nước ta tròn 90 triệu là thời điểm để chúng ta suy ngẫm về lời dạy của Bác.
|
Con số 90 triệu dân là cột mốc "vàng" đối với công tác dân số và sự phát triển của đất nước. Ảnh: Chí Cường |
Từ năm 2007, chúng ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” tức cứ 2 người trong độ tuổi lao động mới có 1 hoặc ít hơn 1 người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” sẽ kéo dài khoảng 30-35 năm hoặc hơn nữa nếu chúng ta biết cách điều chỉnh mức sinh hợp lý. Với hơn 62 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 69% tổng dân số chúng ta sẽ có nguồn nhân lực khổng lồ cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới có “vàng” về số lượng chứ chưa có “vàng” về chất lượng. Phải làm sao để chúng ta có cả “vàng” về số lượng và chất lượng thì mới đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới; để Việt Nam có thể cất cánh bay lên, sánh vai các cường quốc trong thời gian ngắn nhất.
|
TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ. |
Vì sự phát triển bền vững của quốc gia
- Dù đạt được những thành tựu to lớn về công tác dân số nhưng chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức và những vấn đề mới nảy sinh. Đó là quy mô dân số vẫn tiếp tục tăng lên, trong nhân khẩu học gọi là đà tăng dân số. Do vậy, nhu cầu KHHGĐ trong thời gian tới còn tăng. Mức sinh của Việt Nam đã dưới mức sinh thay thế nhưng còn khác giữa các vùng miền, tỉnh, thành. Một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên mức sinh còn cao, cần giảm mạnh và sớm đạt mức sinh thay thế. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố như TPHCM mức sinh xuống rất thấp (năm 2012, TFR chỉ có 1,33 con), nếu giảm nữa sẽ không ổn. Tôi từng nói mỗi phụ nữ TPHCM hãy sinh đủ 2 con.
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch TƯ MTTQ Việt Nam đã đưa ra thông điệp: “Mỗi phụ nữ hãy nên đẻ 2 con”. Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho chúng tôi xây dựng cơ chế, chính sách để mỗi cặp vợ chồng có hai con là những người có lợi nhất, hạnh phúc nhất. Như vậy, việc sinh con không những là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ đối với gia đình, xã hội, đối với quốc gia để đảm bảo sự phát triển bền vững của dân tộc. Có thể dẫn ra đây ví dụ: Năm 2010, dân số Nhật Bản là 127 triệu dân, dự báo đến năm 2060 dân số Nhật Bản còn 90 triệu và đến 2100 chỉ còn 42 triệu, tương đương 1/3 so với 100 năm trước, điều đó không tốt và không đảm bảo cho sự phát triển.
Công tác dân số có một ý nghĩa chiến lược lâu dài, những gì chúng ta đạt được ngày hôm nay là công sức của thế hệ cha anh đi trước. Và 30 – 50 năm sau, thế hệ tương lai sẽ biết ơn nếu chúng ta làm tốt những việc của ngày hôm nay và ngược lại sẽ oán trách nếu ngày hôm nay chúng ta làm chưa tốt. Như việc mất cân bằng giới tính khi sinh nếu hôm nay chúng ta không làm quyết liệt, sẽ để lại những hệ lụy rất to lớn cho thế hệ con cháu chúng ta sau này.
Sự ra đời của em bé thứ 90 triệu được coi là cột mốc “vàng” đối với công tác dân số và sự phát triển của đất nước. Ông có chia sẻ gì về nhận định này?
Do đó, chúng ta cần tận dụng triệt để về mặt số lượng như tăng cường đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế thu hút lao động, xuất khẩu lao động… để tất cả những người trong độ tuổi lao động đều có công ăn, việc làm. Mặt khác, muốn tăng sức cạnh tranh, không có cách nào khác phải thật chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu không tận dụng được cơ hội này, chúng ta sẽ mãi mãi là người đi sau và lực lượng dân số hùng hậu này nếu không sử dụng tốt sẽ có nguy cơ dẫn tới tệ nạn xã hội.
Để chào đón sự kiện này, trong hai ngày 1-2/11/2013, Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức các chương trình lớn: Đón cháu bé thứ 90 triệu ra đời tại BV Phụ sản Trung ương; diễu hành đi bộ với chủ đề “90 triệu bước chân con cháu Lạc Hồng” được tổ chức trọng thể vào sáng 2/11/2013 tại đường Trường Sa – Hoàng Sa (quận 3, TPHCM). 20h cùng ngày, Đêm nhạc hội “90 triệu trái tim yêu Việt Nam” được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Sự kiện này cũng nhằm tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để giải quyết những khó khăn, thách thức về chất lượng dân số, cơ cấu dân số và quy mô dân số hiện nay. Từ đó, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ; góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng. |